Bất chấp cảnh báo, đất nông nghiệp vẫn giao dịch
Bùng phát 'cơn sốt' giá đất nông nghiệp
Từ giữa năm 2017, 'cơn sốt' giá đất nông nghiệp ở Đồng Nai bắt đầu bùng phát và kéo dài cho đến nay. Hiện giá đất nông nghiệp ở các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 4-10 lần so với năm 2016. Những 'cơn sốt' đất kéo dài chưa có hồi kết đã gây ra nhiều hệ lụy cho các địa phương.
Bài 1: 'Bỏng tay' với giá đất nông nghiệp
Khoảng 4 năm nay, giá đất nông nghiệp tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh không ngừng 'nhảy múa'. Hiện giá đất nông nghiệp tại nhiều khu vực đụng vào là 'bỏng tay' vì được bán như đất thương mại, dịch vụ, thậm chí có nơi phân lô bán theo giá đất nền.
'Cơn sốt' giá đất nông nghiệp diễn ra khắp nơi không chỉ do nhu cầu thực tế mà có tình trạng bị 'thổi giá'.
* Giá đất tăng “khủng”
Chưa khi nào giá đất nông nghiệp tại Đồng Nai lại tăng cao như hiện nay dù hơn 1 năm qua, tình hình dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường bất động sản ở nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam “hạ nhiệt”. Nguyên nhân khiến giá đất nông nghiệp chỉ có tăng mà không giảm là do ăn theo các công trình hạ tầng lớn của quốc gia, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như: cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, đường vành đai 3, cầu Cát Lái... Đây là thực trạng đã diễn ra hơn chục năm nay, bắt đầu từ các vùng phát triển khu công nghiệp, đô thị như các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và vài năm trở lại đây “cơn sốt” này lan dần đến các huyện vùng sâu, vùng xa như: Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu...
Cùng với đó là làn sóng nhà đầu tư, trong đó có cả doanh nghiệp từ các tỉnh, thành khác mà chủ yếu là ở TP.HCM đầu tư “lướt sóng” để kiếm lời. Ông Trần Văn Hải, xã Xuân Đông (H.Cẩm Mỹ) kể, năm 2016, đất nông nghiệp trên địa bàn xã chỉ khoảng từ 240-800 triệu đồng/ha tùy theo vị trí. Thế nhưng đến nay, 1ha đất nông nghiệp đã tăng lên 1,5-8 tỷ đồng. Những thửa đất nông nghiệp gần mặt tiền đường lớn, giá có thể lên đến 1-2 tỷ đồng/sào (1 ngàn m2). Đa số là người dân ở TP.HCM về mua đất, chờ giá cao để bán lại. Ông Hải cho biết thêm: “Gia đình tôi có hơn 1ha đất đang trồng cây ăn trái được “cò” đất đến hỏi mua với giá hơn 6 tỷ đồng nhưng tôi không bán. Nông dân bán đất rồi lấy gì mà canh tác. Bán đất thì dễ chứ mua lại đất nông nghiệp để sản xuất rất khó”.
Tương tự, tại các huyện Tân Phú, Định Quán không chỉ khu vực gần quốc lộ, tỉnh lộ mà giá đất trên các tuyến đường liên xã, trong các ấp cũng tăng cao. Ông Trịnh Văn Sơn, Trưởng ấp 2, xã Thanh Sơn (H.Định Quán) cho biết: “Khoảng 4-5 năm trước, đất nông nghiệp ở khu vực xa trung tâm UBND xã Thanh Sơn giá chỉ gần 200 triệu đồng/ha, nhưng hiện đã lên đến hơn 1 tỷ đồng/ha, tăng gấp 5-6 lần; đất nằm trên các tuyến đường lớn có khi lên đến 5-7 tỷ đồng/ha. Do “cơn sốt” đất đẩy giá tăng lên chứ những khu vực nằm sâu phía trong chỉ sản xuất nông nghiệp, khó phát triển kinh doanh”.
Tại các khu vực có công nghiệp phát triển như các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh, giá đất nông nghiệp còn bị những người đầu tư đẩy lên mức 20-50 tỷ đồng/ha. Đơn cử như giá đất nông nghiệp ở P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) được bán với giá 4-5 triệu đồng/m2; các phường vùng ven Phước Tân, Tam Phước cũng từ 3-4 triệu đồng/m2. Các xã Phước An, Tam An, Long Đức, Long An của H.Long Thành, đất nông nghiệp được chuyển nhượng với giá 2-3 triệu đồng/m2. Trên địa bàn H.Nhơn Trạch, khu vực các xã Phú Hữu, Đại Phước, Long Tân, Phú Hội, Long Thọ..., đất nông nghiệp mua bán ngoài thị trường tự do khoảng 2-4 triệu đồng/m2.
* Đất đang bị “thổi” giá
Những “cơn sốt” giá đất thường đi theo các thông tin đầu tư cầu, đường giao thông hoặc quy hoạch lên khu đô thị… Trong đó, không ít thông tin thất thiệt là do giới đầu cơ hoặc “cò” đất cố tình đồn thổi để thao túng giá bán.
Dưới góc nhìn của người đi mua đất, bà Lê Thị Thảo, người dân tại P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa) chia sẻ, bà từng tìm mua đất ở khu vực km106 trên quốc lộ 20, thuộc xã Phú Ngọc (H.Định Quán) vì nghe thông tin về tiềm năng cho lợi nhuận tốt khi khu vực này sẽ quy hoạch lên thị trấn và có nhiều dự án đường giao thông lớn. Bà Thảo được “cò” giới thiệu miếng đất rộng 6.700m2 với giá 5,5 tỷ đồng. Mức giá này đã tăng theo cấp số nhân so với 2-3 năm về trước nhưng vẫn có nhiều khách tìm mua vì kỳ vọng đất khu vực này tiếp tục “sốt”. Bà Thảo cho biết: “Giá đất tăng cao như hiện nay là tình trạng chung ở tất cả các địa phương. Tôi từng được chào bán lô đất trồng cây hằng năm trên tuyến đường 600A nối với Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc xã Phú An (H.Tân Phú) với giá 700 triệu đồng/nền 128m2”.
Cảnh báo về tình trạng đất nông nghiệp đang bị đẩy giá, Phó chủ tịch UBND H.Định Quán Ngô Tấn Tài cho hay, tình trạng nhập nhèm thông tin, đưa thông tin sai để “thổi” giá đất từng xảy ra tại địa phương. Cụ thể vào đầu năm 2020, giới đầu cơ, “cò” đất “thổi” thông tin khu vực km106 thuộc xã Phú Ngọc sẽ quy hoạch lên thị trấn, đầu tư đường liên tỉnh, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đi qua, thậm chí gắn với dự án không liên quan là Cảng hàng không quốc tế Long Thành để “thổi” giá đất lên rất nhiều lần. Tại khu vực này, hàng loạt văn phòng kinh doanh bất động sản được mở ra, “cò” đất tỏa ra các tuyến đường để chào bán đất, in thông tin quảng cáo dán khắp các cột điện, khu dân cư. Thực tế, khu vực này không hề được quy hoạch lên thị trấn, cũng không liên quan gì đến các dự án đường giao thông lớn nhưng “cò” đất vẫn nhập nhèm thông tin để tạo cơn “sốt ảo” về giá đất để thu hút người mua
Ông Vũ Văn Phấn, nguyên Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, chuyên gia trên lĩnh vực bất động sản đánh giá, Đồng Nai là nơi có công nghiệp phát triển, người dân các nơi về tỉnh làm việc trong các khu công nghiệp đông nên nhu cầu về nhà, đất ở rất lớn. Đây cũng là khu vực đất đai đang “nóng”, doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp muốn đến Đồng Nai đầu tư vì còn nhiều tiềm năng phát triển. Vì vậy, bất động sản trên lĩnh vực công nghiệp, nhà ở, du lịch nghỉ dưỡng, thương mại dịch vụ, nông nghiệp thu hút rất nhiều nhà đầu tư. Trong đó, có những doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận, mua bán đất nông nghiệp, phân lô, bán nền gây khó khăn trong công tác quản lý của chính quyền địa phương, giở chiêu trò “thổi” giá đất nông nghiệp lên cao gây ra những “cơn sốt ảo” về đất nông nghiệp, làm bất ổn thị trường bất động sản. |
Bài 2: Đất ''sốt'' giá ảo, hệ lụy thật
Cập nhật lúc 23:46, Thứ Sáu, 28/05/2021 (GMT+7)
Đất nông nghiệp tại Đồng Nai lên “cơn sốt” giá, nhiều người đã đổ về các địa phương mua đi, bán lại kiếm lời. Trong đó có tình trạng nhà đầu cơ lợi dụng kẽ hở của Luật Đất đai năm 2013, tách thửa đất nông nghiệp thành từng mảnh nhỏ để bán. Bên cạnh đó, có những doanh nghiệp còn vẽ ra các dự án “ma” trên đất nông nghiệp để rao bán cho nhà đầu tư thứ cấp trong tỉnh và đến từ nhiều tỉnh, thành khác.
Giá đất nông nghiệp tăng quá cao khiến nông dân nhiều địa phương đua nhau tách thửa bán đất, làm đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp, xé nhỏ. Đây là hệ lụy lâu dài cho mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô hàng hóa lớn; trở thành rào cản quá trình hình thành các vùng chuyên canh, nhất là trong xây dựng các dự án cánh đồng sản xuất lớn.
* “Nóng” sai phạm đất đai
Những “cơn sốt” giá đất khiến người dân bỏ công việc để làm môi giới, kinh doanh đất đai kiếm lời tạo nên những rủi ro và ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế tại các địa phương. Đây cũng là nguyên nhân khiến những vi phạm về Luật Đất đai tăng nhanh trong thời gian gần đây.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, không để các trường hợp cố ý tách nhỏ các thửa đất nông nghiệp nhằm mục đích phân lô, bán nền theo hình thức đồng sở hữu. Việc tách nhỏ quá nhiều thửa đất nông nghiệp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành các vùng chuyên canh cây trồng, cánh đồng lớn đáp ứng nhu cầu sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi sản xuất - chế biến tăng giá trị cho sản phẩm nông sản. |
Vụ sai phạm lớn nhất về đất nông nghiệp xảy ra vào năm 2019, Công ty CP Địa ốc Alibaba (TP.HCM) đã vẽ ra 29 dự án “ma” trên đất nông nghiệp ở Đồng Nai để bán cho hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh, thu lời bất chính cả ngàn tỷ đồng. Đặc biệt trong giai đoạn 2017-2019, trên địa bàn tỉnh xảy ra hàng loạt vụ sai phạm về việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép ở những địa phương có công nghiệp phát triển, đông người lao động, nhu cầu về nhà ở lớn như các huyện: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa.
Từ năm 2020 đến nay, các địa phương đã quản lý chặt chẽ về đất đai, xây dựng nên việc phân lô, bán nền đất nông nghiệp, vi phạm về đất đai cũng giảm hẳn so với giai đoạn trước đó.
Chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Hữu Nguyên cho biết: “Thành phố đã giao cho chủ tịch UBND các phường, xã trên địa bàn nếu để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp dẫn đến xây dựng trái phép sẽ phải trực tiếp chịu trách nhiệm. Do đó, từ năm 2020 đến nay, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp đã giảm nhiều”. Tại các huyện khác như: Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Vĩnh Cửu…, việc quản lý đất nông nghiệp cũng được siết chặt, hạn chế được vi phạm về đất đai.
Ông Lê Ngọc Tiên, Phó chủ tịch UBND H.Trảng Bom cho hay: “Khu vực H.Trảng Bom dân đến tạm trú để làm việc trong các khu công nghiệp hình thành mới những năm gần đây dẫn đến nhu cầu về nhà ở tăng cao. Vì thế, trên địa bàn huyện đã xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép”. Để hạn chế tình trạng này, huyện đã xử phạt hành chính các đối tượng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép và buộc phục hồi nguyên trạng. Theo đó, tình trạng vi phạm phân lô, bán nền đất nông nghiệp đã giảm nhiều.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp ở nhiều khu vực trong tỉnh vẫn tồn tại. Các cá nhân, doanh nghiệp lách luật bằng cách tách thửa đất nông nghiệp theo đúng quy định từ
500-1.000m2, sau đó phân lô, bán nền theo hình thức đồng sở hữu, giấy tay. Việc này chính quyền địa phương rất khó xử lý vì Luật Đất đai cho phép nhiều người dân cùng sở hữu một thửa đất. Còn việc mua bán giấy tay do bên mua, bên bán cùng thỏa thuận cũng khó phát hiện để ngăn chặn.
* “Xé nát” quy hoạch đất nông nghiệp
Một hệ lụy lâu dài hơn của tình trạng đất nông nghiệp được đưa vào đầu cơ, mua bán là tạo nên những “cơn sốt” kéo dài chưa có điểm dừng khiến cho nông dân, doanh nghiệp muốn tích tụ đất đai mở rộng sản xuất gặp không ít khó khăn.
Ông Đặng Văn Hát, nông dân ở xã Phú Cường (H.Định Quán) so sánh, 3-4 năm trước, đất nông nghiệp ở vùng này kêu giá 1 tỷ đồng/ha không bán được. 2 năm trước, khu đất rẫy 1,8ha ở đây bán được 4-5 tỷ đồng đã gây bất ngờ vì giá quá cao. Nhưng giờ giá “sốt” đến mức không ai ngờ khi 1 sào (1 ngàn m2) có giá bán lên đến 1 tỷ đồng.
Tình trạng người dân bỏ hết công việc làm ăn để đầu tư kinh doanh đất góp phần tạo hiện tượng “sốt” giá đất cục bộ gây ra những rủi ro, thậm chí nguy hại cho nền kinh tế về lâu dài khi tiền vốn bị găm hết vào đất. Ngoài ra, vấn đề khác là người dân lo đi buôn đất không chịu sản xuất, kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế. |
Thấy giá đất quá cao, nhiều nông dân ở đây cũng như ông Hát đua nhau tách thửa bán bớt vài sào đất để có tiền chi tiêu. Người mua thường là nhà đầu tư từ các khu đô thị, chủ yếu là TP.HCM đến mua đất để đầu cơ nên hầu như không còn tổ chức sản xuất nông nghiệp như trước.
Giá đất tăng mạnh trong thời gian qua cũng là “điểm nghẽn” lớn cho doanh nghiệp muốn đầu tư dự án cánh đồng lớn. Ông Phan Đình Đăng Khoa, chủ trang trại tại H.Tân Phú chỉ ra, đất nông nghiệp tại Đồng Nai đứng ở tốp đầu về mức giá cao so với nhiều tỉnh, thành lân cận. Trong đó, có thực tế là tình trạng “sốt ảo” và nhất là thời gian gần đây ngày càng “nóng” tình trạng đất nông nghiệp ăn theo các dự án công nghiệp và đô thị được phân lô bán nền khiến 1ha đất nông nghiệp có nhiều thời điểm bị đẩy lên hàng chục tỷ đồng. Doanh nghiệp muốn thuê đất với diện tích lớn thường phải chấp nhận mức giá cao, trả trước một lần; ngay cả quỹ đất của Nhà nước cũng phải thuê qua các đơn vị trung gian nên doanh nghiệp không tiếp cận được các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Ngoài ra, các địa phương giao đất cho các nhà đầu tư dự án nông nghiệp có sự chọn lọc kỹ để đảm bảo đất giao được đưa vào canh tác và sử dụng đúng mục đích để tránh các trường hợp đầu cơ, trục lợi.
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi, có một thực tế là đất nông nghiệp nhưng không để sản xuất nông nghiệp mà để đầu cơ, mua bán kiếm lợi. Toàn địa bàn Đồng Nai, tình trạng nhà nhà, người người mua đất nông nghiệp đầu cơ là nguyên nhân góp phần xé nát quy hoạch nông nghiệp, ngăn chặn quá trình xây dựng cánh đồng lớn. Tỉnh rất quan tâm quy hoạch sản xuất nông nghiệp, nhất là xây dựng các vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn để hình thành các chuỗi liên kết bền vững từ sản xuất đến tiêu thụ, chế biến. Tuy nhiên, các chuỗi liên kết hiện nay chưa nhiều, chưa bền vững. Cụ thể, ở H.Trảng Bom có tập đoàn lớn về đầu tư cánh đồng lớn ca cao xen canh cây điều cả ngàn ha, nhưng giá đất không ngừng leo thang khiến nông dân không mặn mà tham gia. Doanh nghiệp rất kỳ vọng vào dự án nhưng không xây dựng được vùng nguyên liệu lớn thì không dám đầu tư nhà máy sơ chế, chế biến tại vùng sản xuất, không gia tăng được giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đây là nguyên nhân khiến sản xuất nông nghiệp mãi không thoát khỏi vòng luẩn quẩn thiếu bền vững.
Bài cuối: Giải pháp nào ngăn chặn 'cơn sốt' giá đất?
Tại Đồng Nai cũng như các tỉnh, thành khác hiện chưa có 'thuốc đặc trị' nạn sốt giá đất 'ảo'. Những 'cơn sốt' đất thường ăn theo thông tin chưa rõ ràng về các dự án hạ tầng quan trọng như: sân bay, đường cao tốc, đô thị... Trong đó, thường chỉ nhóm đầu cơ, cò mồi được lợi còn người mua sẽ chịu nhiều rủi ro vì việc giá đất bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực.
Theo đó, việc minh bạch các thông tin về quy hoạch, tạo điều kiện để người dân tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp trị cơn bệnh “sốt giá đất ảo” này.
* Rối vì thông tin quy hoạch
Khảo sát ở nhiều huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, việc tách nhỏ những thửa đất nông nghiệp với diện tích 0,1-0,2ha khá nhiều và đa phần là để đầu cơ đợi giá đất lên sẽ bán lại. Việc này chính quyền các địa phương đều biết nhưng không thể ngăn chặn vì quy định Luật Đất đai năm 2013 cho phép. Theo Sở TN- MT, toàn tỉnh có trên 463,7 ngàn ha đất nông nghiệp, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp đạt gần 280,8 ngàn ha, đất lâm nghiệp trên 171 ngàn ha. Mỗi tháng, trên địa bàn tỉnh có hàng ngàn trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn NhÂn, Đồng Nai là một trong những địa phương đất đai đang lên “cơn sốt”, chính quyền tỉnh cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh các vi phạm về đất đai. Bên cạnh đó, tỉnh cần thông tin minh bạch các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để người dân biết rõ, tránh các trường hợp lợi dụng vào quy hoạch chưa rõ ràng đẩy giá đất lên cao, gây ra các “cơn sốt” ảo làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của địa phương. |
Quy hoạch bến cảng, sân bay, nâng cấp đô thị... khiến giá đất ở vùng quy hoạch tăng là có cơ sở vì khi hạ tầng được đầu tư thì giá trị đất tại khu vực đó gia tăng. Nhưng trong thực tế có tình trạng quy hoạch “treo” với nhiều dự án bị kéo dài từ năm này sang năm khác. Đây là cơ hội cho dân môi giới, trung gian hay người “lướt sóng” tận dụng thông tin mập mờ về quy hoạch “thổi” giá đất để thu lợi bất chính; còn người mua vì mù mờ về thông tin nên rơi vào bẫy.
Hơn 10 năm trước, giá đất ở các địa phương Long Thành, Nhơn Trạch bị thổi lên chưa từng thấy nhờ “ăn theo” dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhơn Trạch lên thành phố mới. Người mua đổ xô đầu cơ đất, thậm chí có người sẵn sàng đi vay nóng, vay ngân hàng đổ tiền mua đất vì tin dự án sắp khởi công, đầu tư sẽ có lợi ngay. Thế nhưng đây đều là những dự án lớn nên từ quy hoạch đến khi triển khai vào thực tế rất dài, có thể đến hàng chục năm nên không ít nhà đầu tư đã nếm “trái đắng” vì mua phải đất ở khu vực “sốt ảo” rồi mất tiền thật.
Tại Điều 28 của Luật Đất đai có quy định: Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo nhiều người dân có nhu cầu mua đất, thông tin về đất đai ở nhiều địa phương vẫn thiếu minh bạch. Vụ việc Công ty Địa ốc Alibaba vẽ dự án đất nền trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất rừng, thậm chí đất nằm trong quy hoạch đường, nghĩa trang bán ra thị trường minh chứng rất rõ điều này. Hàng ngàn khách mua bị lừa cũng vì nguyên nhân chính là người dân thiếu thông tin chính thống về quy hoạch của các địa phương. Bởi hầu hết khách mua đất đều là người ở địa phương khác, đến tìm hiểu mua đất không tìm đến cơ quan chức năng mà chủ yếu qua nghe thông tin của doanh nghiệp bất động sản hoặc tin vào dư luận.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương cần công khai thông tin một cách kịp thời, chính xác về quy hoạch, kế hoạch, lộ trình thực hiện các dự án trên địa bàn, ngăn chặn tình trạng có người lợi dụng sự mập mờ trong thông tin để trục lợi.
* Siết chặt quản lý từ cơ sở
Trước tình trạng “sốt đất” đang xảy ra đồng loạt tại nhiều địa phương, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã của Đồng Nai đã vào cuộc, tăng cường giám sát, kiểm tra để có thể ngăn chặn, xử lý kịp thời tình trạng sai phạm về đất đai.
Đưa ra giải pháp để hạn chế tình trạng sai phạm về đất nông nghiệp, Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức cho biết: “Tỉnh và các địa phương cần phối hợp, siết chặt quản lý đất đai hơn nữa để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp vi phạm về đất đai. Đặc biệt những khu vực đất đai đang “nóng” như: H.Long Thành, Nhơn Trạch”.
Ở góc nhìn địa phương, ông Ngô Tấn Tài, Phó chủ tịch UBND H.Định Quán cho biết, hiện không có biện pháp mạnh xử lý việc sử dụng đất nông nghiệp vào các mục đích khác do công tác quản lý đất đai còn nhiều kẽ hở. Tuy nhiên, khi phát hiện tình trạng tách thửa đất nông nghiệp để mua bán, đầu cơ, UBND huyện sẽ cử lực lượng cán bộ phụ trách đi kiểm tra hoạt động của các văn phòng mua bán đất đai, tổ chức hoạt động gỡ bỏ các tờ rơi, tờ quảng cáo bán đất nền, đất nông nghiệp nhằm hạn chế tình trạng sốt đất “ảo”. UBND huyện cũng có văn bản yêu cầu UBND các xã quản lý chặt tình trạng tách thửa đất nông nghiệp, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, nhất là ở những khu vực có dự án đầu tư đường giao thông.
Ông Tài khuyến cáo: “Khi mua đất, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ thông tin để tránh rơi vào cảnh tin lời đồn thổi, đổ xô mua đất nông nghiệp, thậm chí “lướt sóng” vay ngân hàng đầu cơ. Hiện nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người đầu tư đất có thể rơi vào cảnh đất chưa kịp bán ra có thể sẽ thua lỗ nặng”. Huyện cũng kiến nghị lên tỉnh có những thay đổi về quy định trong tách thửa, trong xử lý vi phạm đất đai để công tác quản lý đất đai, nhất là quản lý đất nông nghiệp, được chặt chẽ hơn.
Cùng quan điểm, ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, tình trạng nhà nhà, người người mua đất nông nghiệp đầu cơ là do công tác quản lý đất đai còn nhiều kẽ hở. Khó khăn nhất là không có biện pháp mạnh xử lý việc sử dụng đất nông nghiệp vào các mục đích khác. Các địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân thực hiện theo quy hoạch sản xuất nông nghiệp; kiên định thực hiện đất nông nghiệp là để sản xuất nông nghiệp, không để người dân mơ mộng chuyển thành đất thương mại, dịch vụ hoặc các mục đích khác nhằm đầu cơ, trục lợi. Đây cũng là giải pháp để nhà đầu tư vào các dự án cánh đồng lớn gắn bó với dự án.
Đầu năm 2021, khi làm việc về tình hình quản lý đất đai, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng nhấn mạnh, các huyện, thành phố giao trách nhiệm trực tiếp cho các xã, phường, thị trấn, nếu để xảy ra tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép thì bí thư, chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính, xây dựng sẽ bị xử lý kỷ luật. Đồng thời, các địa phương phải khoanh rõ trên bản đồ các điểm phân lô, bán nền đất nông nghiệp cũ, có giải pháp xử lý dứt điểm và tuyệt đối không để xuất hiện thêm các điểm mới.
Một số chuyên gia trên lĩnh vực bất động sản cho rằng có thể ngăn chặn “cơn sốt đất” ở các địa phương bằng chính sách thuế. Cụ thể, đánh thuế cao các trường hợp thửa đất mới mua đã bán lại, những trường hợp mua nhiều sản phẩm bất động sản. Các trường hợp đầu cơ đất nông nghiệp thì cách “đặc trị” là tăng thuế thu nhập cá nhân dựa trên lợi nhuận thu được từ việc mua bán đất. Đồng thời, Chính phủ cần có quy định về thuế bất động sản không sử dụng, để nhà đầu tư thấy rằng rủi ro cao khi đầu tư đất nông nghiệp vì chi phí lớn khi bỏ tiền mua, không bán được sẽ phải đóng thuế |
Bình Nguyên - Hương Giang: baodongnai.com.vn
Copyright © 2018 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web bds Zland