Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU Ngày 09 tháng 01 năm 2023 về phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Hình ảnh trung tâm huyện Nhơn Trạch hiện nay
Nhằm thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đô thị Nhơn Trạch, Ban TVTU đã xây dựng và ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển đô thị Nhơn Trạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040.
Mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết số 09 đặt ra là tập trung huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của huyện để phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo hướng phát triển Nhơn Trạch là đô thị công nghiệp - thành phố cảng. Đầu tư kết cấu hạ tầng cho đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu đồng bộ, hiện đại. Thúc đẩy kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng và phát triển con người toàn diện. Tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ôn định về chính trị xã hội. Phấn đấu đến năm 2025, Nhơn Trạch đạt các tiêu chí đô thị loại III; đến năm 2030, thành lập thành phố Nhơn Trạch và đạt tiêu chí cơ bản của đô thị loại II; những năm tiếp theo, đầu tư xây dựng, nâng cấp đô thị đạt tiêu chí của đô thị loại I.
Nghị quyết số 09-NQ/TU đã đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất: Về phát triển kinh tế gắn với phát triển đô thị
- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại dịch vụ; phát triển mạng lưới trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ theo quy hoạch;
- Chuyển dần sản xuất nông nghiệp, nông thôn sang nông nghiệp đô thị, chủ động nắm bắt cơ hội, phát huy lợi thế, khắc phục hạn chế phát triển kinh tế với tốc độ cao, đẩy nhanh tốc độ phát triển đô thị; Phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản, định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị để phục vụ các khu nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao;
- Thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp theo hướng ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch; hạn chế phát triển các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động trên địa bàn (Dệt may, giày dép, chế biến gỗ, xi mạ,...), đảm bảo phù hợp với chiến lược phát triển của thành phố mới Nhơn Trạch trong tương lai.
- Quản lý bảo vệ chặt chẽ diện tích rừng theo đúng quy hoạch, phát triển kinh tế rừng thông qua thực hiện phát triển các khu, điểm du lịch, trong đó quan tâm du lịch sinh thái, du lịch trên sông, cho thuê môi trường rừng, tạo nguồn thu đầu tư cho phát triển lâm nghiệp ở địa phương;
- Thực hiện “Đề án phát triển du lịch sinh thái rừng phòng hộ ngập mặn do Ban Quản lý rừng phòng hộ Long Thành quản lý đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030" và đầu tư xây dựng “Di tích cấp Quốc gia - Căn cứ Sở Chỉ huy Đặc Khu quân sự và Đoàn 10 Đặc công rừng Sác".
- Tổ chức không gian và tạo lập hình ảnh đô thị mang bản sắc khu vực, đảm bảo phát triển bền vững, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân; tiết kiệm quỹ đất, thúc đẩy quá trình đô thị hóa và tăng trưởng kinh tế. Phát triển nhà ở với các loại hình thích hợp nhằm giải quyết cơ bản về nhu cầu ở và nâng cao điều kiện sống dân cư địa phương và các đối tượng khác.
- Xây dựng, ban hành cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước giữa huyện Nhơn Trạch với các sở, ban, ngành của tỉnh và các địa phương khác trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị Nhơn Trạch; đề xuất
các cơ chế phân cấp, phân quyền để địa phương chủ động trong điều hành, thực hiện.
- Xây dựng cơ chế huy động vốn nhằm đáp ứng được tiến độ đầu tư; tăng cường công tác thu ngân sách, phát triển nguồn thu tạo nguồn cho chi đầu tư phát triển, nhất là khai thác tối đa các nguồn thu từ đất, các dự án phát triển khu công nghiệp, khu đô thị; nghiên cứu, vận dụng các cơ chế xã hội hóa đầu tư, huy động vốn theo hình thức đối tác công tư và vận động các nguồn vốn hỗ trợ phát triển.
- Đẩy mạnh hoạt động truyền thông và tuyên truyền về khoa học và công nghệ, về vai trò của khoa học và công nghệ đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển. Gắn nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nghiên cứu ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học vào lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, bảo vệ môi trường; Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của cán bộ quản lý khoa học và công nghệ. Triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo chuyên gia khoa học và công nghệ.
- Di dời các hộ chăn nuôi nhỏ ra khỏi địa bàn dân cư tập trung để đến năm 2025 chấm dứt hoạt động chăn nuôi trong khu vực quy hoạch đô thị.
- Thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp theo hướng ưu tiên các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch; hạn chế phát triển các ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động trên địa bàn
- Tập trung rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cảng trên địa bàn Nhơn Trạch phù hợp, gắn phát triển hệ thống cảng và dành không gian phát triển hệ thống đô thị Ven sông – Thành phố Cảng trong tương lai.
- Tập trung thúc đẩy, phát triển một số khu nhà ở xã hội tại các khu vực gần Khu công nghiệp (Hiệp Phước, Long Thọ, Phước An), các khu tái định cư, các khu dân cư thương mại tại Khu trung tâm huyện (Khu vực 1, Khu vực trung tâm thuộc các xã Long Tân, Phú Hội và Vĩnh Thanh) và một số khu vực; xây dựng Khu trung tâm hành chính thị trấn Hiệp Phước, xã Đại Phước.
- Hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại II, đô thị công nghiệp - cảng, đẩy nhanh tiến độ các dự án nhà ở thương mại - dịch vụ; hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu đô thị dịch vụ dọc theo các trục đường chính đô thị mới; xây dựng Trung tâm thành phố mới Nhơn Trạch; xây dựng mới các trung tâm thương mại, dịch vụ phục vụ nhu cầu khu vực phát triển đô thị, đảm bảo mốc đến 2025 đạt tiêu chí đô thị loại III và đến 2030 đạt các tiêu chí đô thị loại II.
Thứ hai: Về xây dựng hạ tầng kỹ thuật – kiến trúc cảnh quan đô thị
- Rà soát, cập nhật, định hướng mới để thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung Đô thị mới Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2045, gắn với việc cập nhật, lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết cho phù hợp, đáp ứng với tiêu chí đô thị loại III đến năm 2025 và định hướng phát triển nâng cấp đô thị loại II vào năm 2030;
- Tiếp tục triển khai quy hoạch phát triển hệ thống công viên, dãy cây xanh ở các khu đô thị, ven các sông lớn. Quản lý chặt chẽ mật độ về xây dựng và mảng xanh đô thị. Đẩy mạnh trồng cây xanh và cải tạo các hồ, các dòng sông;
- Phối hợp với các cơ quan Trung ương và các cơ quan liên quan trong việc triển khai xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường vành đai theo quy hoạch vùng, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành và phát triển hệ thống giao thông đường thủy; Xây dựng các bến bãi, nhà ga phục vụ vận tải theo quy hoạch được duyệt trong Khu công nghiệp ông Kèo, Khu dịch vụ hậu cần Cảng Phước An.
- Tập trung đầu tư các tuyến đường tỉnh qua địa bàn huyện; phát triển hệ thống giao thông đường bộ để đấu nối với các tuyến giao thông quốc gia và của tỉnh đi qua địa bàn; đầu tư bê tông hóa, nhựa hóa các tuyến đường liên xã, đường giao thông nông thôn theo quy hoạch;
- Phát triển hạ tầng cung cấp điện, ưu tiên phát triển mạng lưới điện trung thế, hạ thế cho khu vực nông thôn và các khu, cụm công nghiệp, các khu đô thị và dân cư tập trung. Thực hiện ngầm hóa lưới điện ở các khu trung tâm, khu đô thị. Đẩy mạnh việc sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo góp phần bảo vệ môi trường.
- Xây dựng hệ thống thoát nước đô thị phù hợp với quy hoạch được duyệt. Phát triển hệ thống cấp nước
trên địa bàn đảm bảo nguồn nước sạch cung cấp cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt, từng bước hạn chế sử dụng nguồn nước ngầm; Tập trung khai thác, nâng cấp hệ thống cấp nước tập trung hiện có; đầu tư và đưa vào sử dụng nhà máy nước Nhơn Trạch giai đoạn II.
- Tăng cường công tác tìm nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông; kêu gọi đầu tư những dự án ngoài nguồn vốn ngân sách bằng nhiều hình thức và nhiều thành phần kinh tế, đặc biệt là các công trình giao thông đối ngoại kết nối Nhơn Trạch với thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và các vùng lân cận, nhất là kết nối với sân bay quốc tế Long Thành.
- Hoàn thành phê duyệt Chương trình phát triển đô thị mới Nhơn Trạch giai giai đoạn 2021 – 2030; Các đề án công nhận loại đô thị và Đề án thành lập phường, thành phố; Hoàn thành phê duyệt quy chế quản lý kiến trúc Đô thị theo quy hoạch; Hoàn thành phê duyệt quy hoạch các phân khu theo Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Đô thị mới Nhơn Trạch đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050.
- Chú trọng công tác quản lý đô thị, quản lý quy hoạch theo Quy hoạch chung được duyệt, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp xây trái phép, sai phép và quản lý chặt về lĩnh vực trật tự xây dựng; Thực hiện tốt việc quản lý không gian, kiến trúc và cảnh quan đô thị; quản lý về phát triển kinh tế gắn với quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị; quản lý đất đai, nhà ở đô thị, cây xanh, hệ thống chiếu sáng đô thị.
- Ngầm hóa toàn bộ đường dây, cáp dịch vụ công cộng tại đô thị, tăng cường khai thác sử dụng hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm đô thị.
Thứ ba: Về tài nguyên môi trường
- Phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp, đô thị hóa gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai. Quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên; Đẩy nhanh công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng các dự án công trình trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Kiên quyết thu hồi các dự án đầu tư được giao đất nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, kém hiệu quả.
- Triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 54-CT/TU ngày 24/3/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn; Phát huy và sử dụng công nghệ hiện đại trong tái chế rác thải sinh hoạt.
- Xây dựng các hồ điều hòa ở các đô thị, khu công nghiệp, khu đông dân cư; Tập trung khắc phục ô nhiễm ở khu đô thị và khu công nghiệp, nơi có đông dân cư sinh sống.
- Xây dựng, hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng quy hoạch bảo vệ, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản đến năm 2030; quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm trong giai đoạn 2020-2030. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, ngăn chặn tình trạng khai thác không đúng quy định.
- Khuyến khích sử dụng vật liệu xanh, xây dựng và phát triển hạ tầng xanh, công trình xanh, tiêu dụng vật liệu xanh, đầu tư tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phố với biến đổi khí hậu.
Thứ tư: Về phát triển văn hóa xã hội
- Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước"; Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn". Quan tâm đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, hoạt động văn hóa - thể dục thể thao.
- Huy động, kêu gọi đầu tư các nguồn vốn để đầu tư cho hạ tầng xã hội thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục; Triển khai đồng bộ các chính sách bảo trợ, an sinh xã hội, bảo đảm các đối tượng yếu thế được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
- Đầu tư nâng cấp, mở rộng và bổ sung trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế theo hướng hiện đại; thực
hiện xã hội hóa y tế, tạo điều kiện để các nhà đầu tư triển khai các dự án bệnh viện, phòng khám đa khoa tư nhân, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
- Triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn huyện đến năm 2025, tập trung đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia các cấp học; khắc phục tình trạng trường lớp xuống cấp, tổ chức lại mạng lưới trường lớp trên địa bàn và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; Hoàn thiện hệ thống trường, lớp học theo hướng tăng quy mô gắn với hệ thống giáo dục mở, hoàn chỉnh hệ thống cơ sở giáo dục cấp khu ở các khu vực phát triển đô thị mới, xây dựng khu Làng Đại học, bệnh viện vùng đô thị; Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tuyển dụng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu cả về số lượng, chất lượng.
- Phát triển Chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, trong đó: hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau; hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), tăng tỷ lệ dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ chuyên môn, chuyên nghiệp cao. Chú trọng công tác bố trí cán bộ, phát huy năng lực, sở trường của cán bộ, công chức, viên chức để bố trí, sử dụng hợp lý; Hoàn thiện bộ máy quản lý, đổi mới phương pháp quản lý, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý phát triển nhân lực. Thu thập, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu nhân lực trên địa bàn nhằm bảo đảm cân đối, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm: Phát triển các xã vùng ngoại thành
- Quy hoạch xây dựng các Khu dân cư vùng ngoại thành đảm bảo đồng bộ và hoàn thiện hệ thống các công trình hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng yêu cầu gia tăng dân số và sự phát triển lên thành phố trong tương lai.
- Hoàn thành nâng cấp toàn bộ các tuyến đường xã đạt tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng, kết cấu mặt bê tông nhựa và thực hiện nhựa hóa 100% đường các ấp vào năm 2025. Đầu tư mới và nâng cấp hệ thống điện, hệ thống cấp nước, đê bao, hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất, phục vụ đời sống nhân dân vùng ngoại thành.
- Tăng cường bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh, đặc biệt là ở vùng đất ngập nước, vùng cửa sông, cửa biển. Quản lý, bảo vệ và giữ ổn định diện tích rừng ngập mặn, rừng phòng hộ.
Thứ 6: Về quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị
- Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế với tăng cường quốc phòng và an ninh. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc trên địa bàn.
- Củng cố, xây dựng lực lượng vũ trang chính quy, đủ về số lượng, được trang bị phương tiện kỹ thuật hiện đại, đảm bảo vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, sẵn sàng chiến đấu, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.
- Tích cực đấu tranh phòng chống tội phạm, hạn chế và giảm thiểu các tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của nhân dân và các vấn đề phức tạp nảy sinh.
Nguồn: Theo tác giả: Trần Tư Duy Sở xây dựng Đồng Nai
Copyright © 2018 - All Rights Reserved. Design by Thiết kế web bds Zland